dogonhankhang.vn

Tự lực quảng bá sản phẩm văn hóa dân tộc

thong ta van
Ngày 23/08/2018

Thời gian gần đây, người ta nhận thấy có một nỗ lực của các nghệ nhân cũng như những nhà hoạt động văn hóa và cả các doanh nghiệp, hướng tới việc sáng tạo nhiều hơn những sản phẩm mỹ nghệ mang đậm sắc thái dân tộc, nhằm đưa những giá trị vốn có trong di sản văn hóa dân tộc trở thành những sản phẩm gắn liền với đời sống thường ngày, góp phần loại trừ dần những sản phẩm của nước ngoài không còn thích hợp.

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cơ sở sản xuất bức tranh khảm trai “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” Ảnh: Nguyễn Đình Toán

 I. Cách đây không lâu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra yêu cầu loại bỏ các vật phẩm tạo tác nguyên mẫu của nước ngoài đặt vào các không gian di tích lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng. Quan điểm của chúng ta không kỳ thị việc hưởng thụ những giá trị văn hóa của nước ngoài, nhưng cần bảo đảm không gian đậm sắc thái Việt tại di tích.

Và ngay với những không gian khác- nơi mà người dân toàn quyền lựa chọn những sản phẩm theo ý thích thì tùy theo thẩm mỹ của mỗi người, chúng ta cũng cần tạo ra sức thuyết phục để công chúng hướng tới sản phẩm thuần Việt chất lượng ngày càng cao. Thời gian qua, chúng ta ghi nhận nhiều mẫu mã khai thác từ các linh vật gần gũi với văn hóa Việt, như con nghê- vốn khá phổ biến tại các ngôi đình, đền làng xưa, nay đã có mặt trở lại trong các kiến trúc tín ngưỡng thay thế cho những linh vật ngoại lai và nhiều đình chùa cũng thay thế dần các đôi lọ lục bình gốm sứ Trung Hoa bằng những sản phẩm tương tự của Bát Tràng hay một số lò gốm danh tiếng trong nước.

Trên thị trường vật phẩm lưu niệm tại các điểm du lịch, sau một thời tràn ngập và gần như chỉ có các sản phẩm hàng chợ nhập từ Trung Quốc, giờ đây bước đầu đã thấy nhiều hơn các sản phẩm mang mẫu mã nội địa. Đây là lĩnh vực mà ngành du lịch cần đầu tư nhiều hơn nữa để tăng nhịp chuyển đổi cơ cấu hàng mỹ nghệ, lưu niệm phù hợp với không gian khác nhau của du lịch, nhằm quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ngay trong cộng đồng cũng như với du khách nước ngoài.

II. Chúng ta đã thấy những thành công khá bền vững trên một số lĩnh vực như thời trang, gốm sứ, ẩm thực..., tạo ra những sản phẩm có thương hiệu góp phần quảng bá hình ảnh đất nước cũng như giá trị văn hóa của nhiều vùng miền hay cộng đồng thành phần trong dân tộc Việt Nam. Ví như trên phương diện ẩm thực, ngoài hiện tượng như “Phở Clinton” hay “Bún chả Obama” tôn vinh đặc sản ẩm thực Thủ đô, ngay tại Hà Nội đã xuất hiện nhiều chuỗi công trong khâu thu gom vật liệu (gỗ), thực hiện theo đơn đặt hàng những mẫu mã của Trung Quốc. Những sản phẩm này khi xuất sang Trung Quốc thì được chủ hàng nước ngoài coi là hàng thô, tiếp tục đầu tư, tinh chế thành sản phẩm cao cấp hơn, gắn thương hiệu của họ và thu lợi gấp bội. Điều đáng nói không chỉ là giá trị gia tăng, mà gần như những ngành nghề này bị “đông cứng” bởi những mẫu mã đặt hàng, khiến năng lực sáng tạo sản phẩm mang sắc thái Việt bị giảm sút.

Hai nghệ nhân Thanh Hóa bên dãy trống đồng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long

III. Một cuộc triển lãm gần đây của nhóm anh em trẻ mang tên “Hội quán Di sản”, tìm tòi khai thác một chiếc ghế cổ làm từ thời Mạc hiện còn tìm thấy trong một di tích, thiết kế lại trên cơ sở mô phỏng về hình dáng, kết cấu và họa tiết trang trí để tạo ra một mẫu ghế có thể phát triển thành nội thất sang trọng thay vì chỉ biết đến những mẫu mã rập khuôn của phương Bắc (đồ nhà Minh) hay của phương Tây (mẫu của triều Louis 16 của Pháp).

Hiện vật rất tiêu biểu của kiến trúc cung đình từ các thời Đinh, Tiền Lê (khai quật dược ở Cố đô Hoa Lư) cũng như Lý, Trần, Lê (Hoàng thành Thăng Long) là những đầu rồng, đầu phượng hay những lá đề chạm khắc các hoa văn rất tinh tế thể hiện trong các vật liệu xây dựng- trang trí rất đặc sắc khai quật được từ các di tích đã được tạo tác thành những vật trang trí, lưu niệm khá đẹp mắt trên các chất liệu sở trường của mỹ nghệ Việt như: Gốm sứ, đúc đồng, tạc gỗ... đã có mặt trong các cuộc triển lãm và trên thị trường đồ lưu niệm. Ở đôi nơi đã được ứng dụng vào các kiến trúc phục cổ.

Một trong những sản phẩm đạt chất lượng cao của mẫu mã này là chiếc đầu rồng (lấy nguyên mẫu từ di tích Hoàng thành Thăng Long), bằng gốm phủ men xanh dân gian do “Hội quán Di sản” tạo tác đã được Thủ tướng Việt Nam chọn làm quà tặng Tổng thống Hoa Kỳ. Điều đáng nói là món quà này đã được người nhận đánh giá cao bằng một lá thư riêng gửi cho người tặng. Người đứng đầu cơ sở sáng tạo ra sản phẩm này cho biết, anh chỉ làm thử nghiệm 5 sản phẩm với 5 loại men khác nhau để chọn lấy 1, sau đó đã đập vỡ khuôn và không bao giờ làm tiếp để bảo đảm tính “độc bản”. Còn để làm sản phẩm đưa ra thị trường thì chuyển sang mẫu khác với kích thước và chất men không trùng lặp.

“Hội quán Di sản” cũng giới thiệu một xu hướng sáng tạo là thu nhỏ với kích cỡ thích hợp, vật liệu thích hợp để các “bảo vật quốc gia” được đến gần với quần chúng hơn dưới hình thức các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp (bằng kim loại hay đá quý) và phổ thông bằng gốm hay nhựa tổng hợp. Bức tượng “Phật A di đà” nổi tiếng của Chùa Phật Tích hay Cột đá Chùa Giạm (đều ở Bắc Ninh) đã được thu nhỏ một cách tinh tế và trung thành với nguyên mẫu của bảo vật đã được giới thiệu trên nhiều loại vật liệu khác nhau.

Mọi người đều nhớ tới cách đây ngót 4 thập kỷ, khi nhà nước ta quyết định sẽ đúc phục chế một trống đồng để tặng, đặt tại trụ sở Liên hiệp quốc, cả ngành luyện kim, các cơ quan công nghệ và văn hóa của cả nước mất rất nhiều công sức để làm sản phẩm này với chất lượng rất hạn chế. Nhưng giờ đây, nhiều sản phẩm trống đồng đã được tạo tác tinh tế. Những nghệ nhân Thanh Hóa thường nhắc tới sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một dàn trống đồng cả trăm chiếc được các nghệ nhân đúc ra đã tham dự vào buổi trình diễn hoành tráng. Ở khía cạnh khác, việc đầu tư một lượng trống lớn như vậy đã trở thành một “cú huých” về nguồn lực (cả đầu vào lẫn đầu ra), giúp các nghệ nhân, hội nghề và doanh nghiệp tập trung được trí tuệ và tay nghề góp phần quan trọng vào những thành tựu trên lĩnh vực này.

Tranh khảm trai và họa tiết in trên bình gốm miêu tả tích đức Trần Anh Tông ra đón vua cha về kinh

Một ví dụ khác thể hiện những khao khát sáng tạo và ứng dụng của người sáng tạo cũng như người sử dụng là những sản phẩm khai thác từ phiên bản của tác phẩm hội họa danh tiếng của đầu thế kỷ XIV. Đó là bức họa cổ “Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” mà báo chí đã viết nhiều. Bức tranh dài hơn 3 m, rộng gần 30 cm vẽ 82 nhân vật trong khung cảnh đoàn tu hành của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông lúc này đã đi tu ở Vũ Lâm (Ninh Bình) trở về gặp xa giá của đức Trần Anh Tông ra đón vua cha về kinh. Khi tác phẩm này vừa được công bố qua một cuộc đấu giá của Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc), lập tức được nhiều nghệ nhân hay những người yêu nghệ thuật quan tâm khai thác. Từ rất sớm đã có một họa sĩ ở Huế bố cục lại trên một không gian vuông vức để dựng lại bức tranh này bằng chất liệu sơn mài truyền thống; rồi một người giàu có ngay ở chân núi Yên Tử đã đầu tư cho các nghệ nhân phóng to bức tranh ấy dài tới gần hai chục thước phủ kín trên bức tường bằng gỗ quý của ngội nhà thờ Tổ bằng nghệ thuật khảm sử dụng một lượng rất lớn trai ốc quý nhập từ nước ngoài. Lại thấy trên bàn thờ có đôi lọ độc bình lớn trích đoạn bức tranh có hình ảnh hai vị vua (cha và con). Cũng tương tự như vậy, nhưng được khảm trên một tấm gỗ lớn với những điêu khắc họa tiết trang trí thời Trần, bức tranh ốc trai đúng kích cỡ với bản gốc với những nét khảm rất tinh tế của một nghệ nhân trẻ ở Bắc Ninh. Bức tranh này đã được Hội Sử học tặng Chủ tịch nước để cung tiến vào một không gian lịch sử liên quan đến Phật Hoàng và sự tích của chính bức tranh quý này.

IV. Những ví dụ tương tự tôi cho là không thể kể hết. Rõ ràng cần một chính sách quan tâm tới những sáng kiến, những nỗ lực mang tính khởi nghiệp - đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống.

Điều đó còn cho thấy, ngành Công Thương và Du lịch cần quan tâm hơn nữa để những nỗ lực từ cộng đồng trở thành hiện thực, làm phong phú thêm các sản phẩm trên thị trường, mà giá trị kinh tế gắn liền với hàm lượng văn hóa; trong đó có việc khai thác, quảng bá và tôn vinh những giá trị di sản của dân tộc Việt Nam.

Viết bình luận của bạn
Danh sách so sánh
Messenger